1. Tên gọi
- Tên Tiếng Việt: Cát cánh.
- Tên khác: Tề ni; Khổ ngạch; Bạch dược; Cánh thảo; Mộc tiện; Đô ất la sất; Cát tưởng xử hoặc Khổ cánh; Lư như; Lợi như; Phòng đồ; Phù hổ và Phương đồ.
- Tên khoa học: Platycodon grandiflorum hay Platycodon grandiflorus.
- Họ: Hoa chuông (Campanulaceae).
2. Đặc điểm
- Loài cây này có nguồn gốc từ khu vực Đông Bắc của Châu Á, phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Ngày nay, cây cát cánh được di thực vào Việt Nam ở các vùng núi phía bắc bằng phương pháp gieo hạt.
- Đây là một loại cây lâu năm thường trồng ở vùng núi và cánh đồng. Cát cánh cao từ 40 đến 100 cm, có rễ dày, nhựa trắng chảy ra khi thân cây bị cắt.
- Lá dài từ 5 đến 12 cm, mọc vòng hoặc đối xứng nhau, không có cuống, phiến lá hình trắng, mép lá có răng cưa to và lá trên thân mọc cách.
- Hoa cát canh có hình chuông, màu xanh lam và mép có 5 thùy, các thùy có gân nổi rõ. Hoa thường mọc vào tháng 5-8, quả hình trứng ngược vào mùa ở tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
- Rễ củ nạc, bên ngoài có màu vàng nhạt và là bộ phận dùng làm dược liệu.
- Cát cánh thu hoạch vào tháng 2 – 8 hàng năm. Sau thu hoạch, chúng được rửa sạch và sau đó đem phơi hoặc sấy khô.
3. Thành Phần Hóa Học Của Cát cánh
- Trong rễ cát cánh có khoảng 2% kikyosaponin C29H48O11 là một chất saponin vô định hình. Kikyosaponin thêm axit và đun sôi sẽ cho kikyosapogenIn C23H38O5 và một phân tử galactose. Ngoài ra còn có phytosterola C27H46O và inulin.
- Sự nghiên cứu mới đây chứng minh trong lá, hoa, và thân, cành Cát cánh đều có chứa saponin. Saponin này có tác dụng phá huyết mạnh hơn saponin trong rễ, kikyosapogenin có tác dụng phá huyết mạnh gấp 2 lần sapogenin của viễn chí (Polygala senega).
Từ rễ Cát cánh có nhiều hợp chất saponosid đã được phân lập và xác định cấu trúc.
Các chất quan trọng là: Platycodin A, C, D; Platycodigenin (C30H48O7); α – Spinasterol; β – D – Glucosid; Stigmasterol; Betulin; Platycodonin; Platycogenic acid A, B, C; Glucose; inulin.
4. Tác Dụng Dược Lý Của Cát cánh
Theo y học cổ truyền
- Ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng.
- Chủ trị: Ho đờm nhiều, ngực tức, họng đau, tiếng khàn, áp xe phổi, tiêu mủ, mụn nhọt.
Theo y học hiện đại
- Kikyosapogenin có tác dụng phá huyết, tiêu đờm và long đờm. Theo Trung Hoa y học tạp chí (1952) uống Cát cánh thấy tác dụng tiêu đờm rõ rệt trên lâm sàng.
- Dùng thuốc sắc 25% bán hạ, viễn chí và Cát cánh (4 ml = 1 g) cho vào miệng chó đánh mê với liều 1 g/kg thể trọng, theo dõi sự phân tiết ở đường hô hấp thì thấy Cát cánh có tác dụng tăng cường sự phân tiết ở đường hô hấp.
- Tác dụng trừ đờm của Cát cánh chủ yếu do chất saponin: Khi uống chất saponin gây kích thích niêm mạc cổ họng và dạ dày đưa đến phản xạ tăng phân tiết ở đường hô hấp làm cho đờm loãng ra và dễ tống ra ngoài.
- Saponin của Cát cánh có tác dụng phá huyết cao: Pha loãng 1/10.000 vẫn còn tác dụng phá huyết. Tác dụng phá huyết này mạnh gấp 2 lần saponin của viễn chí.
- Saponin Cát cánh có tác dụng kháng viêm và an thần, giảm đau giải nhiệt, chống loét bao tử, có tác dụng ức chế miễn dịch.
- Trong chuyển hóa lipid: sử dụng nước sắc từ cát cánh cho chuột uống, kết quả cho thấy giúp làm giảm cholesterol trong gan và đồng thời thúc đẩy chuyển hóa cholesterol trong cơ thể.
- Chống nấm: nước sắc từ cây cát cánh có thể gây ức chế được hầu hết các loại nấm gây bệnh trên da.